Bài soạn lớp 10: Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ

Trong cuộc sống của con người, hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ là một hoạt động không thể thiếu. Vì đó là cách để nối kết, trao đổi thông tin giữa con người với con người. Mời các bạn tham khảo bài soạn Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ dưới đây!


I. Thế nào là hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ?

1. Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi

Nhà vua trịnh trọng hỏi các bô lão:

- Nước Đại Việt ta tuy là một nước nhỏ ở phương Nam nhưng luôn bị nước ngoài nhòm ngó. Từ cổ xưa đến giờ chưa có khi nào giặc mạnh và hung hãn như ngày nay. Chúng sẽ kéo sang năm mươi vạn quân, bảo rằng: “Vó ngựa Mông Cổ đi đến đâu cỏ không mọc được ở chỗ ấy!”. Vậy nên liệu tính sao đây?

Mọi người xôn xao tranh nhau nói:

- Xin bệ hạ cho đánh!

- Thưa chỉ có đánh!

Nhà vua nhìn những khuôn mặt đẹp lồng lộng, hỏi lại một lần nữa:

- Nên hòa hay nên đánh?

Tức thì muôn miệng một lời

- Đánh! Đánh!

Điện Diên Hồng như rung chuyển. Người người sục sôi.

(Theo Lê Vân, Hội nghị Diên Hồng)

a) Hoạt động giao tiếp được văn bản trên ghi lại diễn ra giữa các nhân vật giao tiếp nào? Hai bên có cương vị và quan hệ với nhau như thế nào?

b) Trong hoạt động giao tiếp trên, các nhân vật giao tiếp lần lượt đổi vai (vai người nói, vai người nghe) cho nhau như thế nào? Người nói tiến hành những hành động cụ thể nào, còn người nghe thực hiện những hành động tương ứng nào?

c) Hoạt động giao tiếp trên diễn ra trong hoàn cảnh nào? (Ở đâu? Vào lúc nào? Khi đó ở nước ta có sự kiện gì?)

d) Hoạt động giao tiếp trên hướng vào nội dung gì?

e) Mục đích của cuộc giao tiếp (hội nghị) là gì? Cuộc giao tiếp có đạt được mục đích đó không?

Trả lời:

a)

  • Hoạt động giao tiếp được văn bản ghi lại diễn ra giữa vua Trần và các vị bô lão
  • Cuộc giao tiếp được diễn ra giữa những người có cương vị xã hội khác nhau: Vua là người đứng đầu, có quyền lực tối cao trong một đất nước còn các vị bô lão là những người lớn tuổi, có công với đất nước, cũng là những người đại diện cho nhân dân.
  • Sự khác biệt về cương vị xã hội và mối quan quan hệ giữa bề trên - bề dưới được thể hiện qua các từ ngữ xưng hô và cách thức giao tiếp của họ: Vua sử dụng những câu rút gọn, lược đi phần chủ ngữ để khẳng định rõ vị thế của mình. Còn các bô lão sử dụng những từ ngữ mang sắc thái tôn trọng, đúng mực của bề tôi với vua (xin, bệ hạ, thưa).

b)

  • Trong hoạt động giao tiếp, có sự luân phiên lượt lời giữa người nói và người nghe để tạo ra tính liên tục cho cuộc giao tiếp, đạt được mục đích cuối cùng của nó.
  • Trong văn bản, vua Trần và các bô lão cũng có sự luân phiên lượt lời với nhau: Khi vua Trần hỏi (vai người nói) thì các bô lão trong vai người nói và ngược lại, khi các bô lão trả lời thì các bô lão trong vai người nói, còn vua Trần trong vai người nghe.

c) Hoàn cảnh của cuộc giao tiếp:

  • Địa điểm: Điện Diên Hồng
  • Hoàn cảnh đất nước: Khi ấy quân Mông Cổ đang lăm le xâm chiếm nước ta. Thế giặc mạnh, quân đông và hiếu chiến - trở thành nỗi khiếp sợ của các quốc gia lúc bấy giờ. Quân dân nhà Trần đã phải cùng nhau bàn bạc để tìm ra cách đối phó với giặc ngoại xâm.

d) Nội dung của hoạt động giao tiếp trên: Vua Trần thông báo tình hình của giặc ngoại xâm và bàn bạc cùng các bô lão cách để đối phó với quân xâm lược.

e)

  • Mục đích của cuộc giao tiếp (hội nghị) là bàn bạc và đưa ra kế sách để đối phó và chống lại sự xâm lăng của một kẻ thù quá mạnh là quân Mông Cổ.
  • Cuộc giao tiếp đã đạt được mục đích khi vua tôi nhà Trần thống nhất một lòng với kế sách sẽ “đánh” chống lại kẻ thù. Sự đồng lòng ấy tạo nên sức mạnh to lớn giúp quân và dân nhà Trần đã ba lần đánh thắng quân Mông - Nguyên, làm nên những trang sử vàng oai hùng của dân tộc.

2. Anh (chị) vừa học bài Tổng quan văn học Việt Nam. Hãy cho biết:

a) Thông qua văn bản đó, hoạt động giao tiếp diễn ra giữa các nhân vật giao tiếp nào? (Ai viết? Ai đọc? Đặc điểm của các nhân vật đó về lứa tuổi, vón sống, trình độ hiểu biết, nghề nghiệp,...?)

b) Hoạt động giao tiếp đó được tiến hành trong hoàn cảnh nào? (hoàn cảnh có tổ chức, có kế hoạch của giáo dục nhà tường, hay là hoàn cảnh ngẫu nhiên, tự phát hàng ngày...?)

c) Nội dung giao tiếp (thông qua văn bản đó) thuộc lĩnh vực nào? Về đề tài gì? Bao gồm những vấn đề cơ bản nào?

d) Hoạt động giao tiếp thông qua văn bản đó nhằm mục đích gì? (Xét từ phía người viết và từ phía người đọc)

e) Phương tiện ngôn ngữ và cách tổ chức văn bản có đặc điểm gì nổi bật? (Dùng nhiều từ ngữ thuộc ngành khoa học nào? Văn bản có kết cấu rõ ràng với các đề mục lớn nhỏ đẻ thực hiện tính mạch lạc, chặt chẽ ra sao?)

Trả lời:

a. Nhân vật giao tiếp diễn gồm:

  • Tác giả của cuốn sách giáo khoa  (người viết) có hiểu biết sâu rộng về văn học, hầu hết là những người đã từng nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy văn học.
  • Học sinh (người đọc), có vốn sống và trình độ hiểu biết chưa cao.

b. Hoạt động giao tiếp này được tiến hành một cách có tổ chức, có kế hoạch của nhà trường.

c. 

  • Nội dung giao tiếp thuộc lĩnh vực văn học. Đề tài là những nét "Tổng quan văn học Việt Nam".
  • Nội dung giao tiếp trên gồm 3 vấn đề cơ bản là:
    • Các bộ phận hợp thành của văn học Việt Nam;
    • Quá trình phát triển của văn học Việt Nam
    • Con người Việt Nam qua văn học.

d. Sự giao tiếp (thông qua văn bản) nhằm mục đích:

  • Người viết: Trình bày một cách tổng quan các vấn đề của văn học Việt Nam
  • Người nghe: Tiếp nhận và lĩnh hội những kiến thức cơ bản về văn học Việt Nam theo tiến trình lịch sử. Đồng thời cũng qua đó rèn luyện và nâng cao các kĩ năng nhận thức, đánh giá các hiện tượng văn học.

e.  Phương tiện ngôn ngữ và cách tổ chức văn bản có đặc điểm nổi bật:

  • Phương tiện ngôn ngữ : sử dụng nhiều thuật ngữ chuyên ngành văn học.
  • Cách thức giao tiếp : dùng văn phong khoa học, cách viết rõ ràng, mạch lạc, chặt chẽ.
  • Kết cấu văn bản rõ ràng, có hệ thống đề mục lớn nhỏ, có hệ thống luận điểm, luận cứ rõ ràng và dễ hiểu.

Ghi nhớ

Hoạt động giao tiếp là hoạt động trao đổi thông tin của con người trong xã hội, được tiến hành chủ yếu bằng phương tiện ngôn ngữ (dạng nói hoặc dạng viết), nhằm thực hiện những mục đích về nhận thức, về tình cảm, về hành động,...

Mỗi hoạt động giao tiếp gồm hai quá trình: tạo lập văn bản (do người nói, người viết thực hiện) và lĩnh hội văn bản (do người nghe, người đọc thực hiện). Hai quá trình này diễn ra trong quan hệ tương tác.

Trong hoạt động giao tiếp có sự chi phối của các nhân tố: nhân vật gioa tiếp, hoàn cảnh giao tiếp, nội dung giao tiếp, mục đích giao tiếp, phương tiện và cách thức giao tiếp.

Xem thêm lời giải Bài soạn văn 10

Soạn bài môn văn lớp 10 dễ hiểu, dễ nắm bắt. Cách trình bày rõ ràng, ngoài tác dụng lưu kiến thức vào vở, học sinh có thể nắm rõ đại ý câu trả lời. Từ đó, các em nhớ lâu hơn, nhớ 1 cách có hệ thống hơn. Dưới đây là phần soạn văn chi tiết cho các bài học trong sgk ngữ văn 10, mời các em học sinh và bạn đọc tham khảo

Lớp 10 | Các môn học Lớp 10 | Giải bài tập, đề kiểm tra, đề thi Lớp 10 chọn lọc

Danh sách các môn học Lớp 10 được biên soạn theo sách giáo khoa mới của bộ giáo dục đào tạo. Kèm theo lời giải sách bài tập, sách giáo khoa, đề kiểm tra 15 phút, 45 phút (1 tiết), đề thi học kì 1 và học kì 2 năm học 2024 ngắn gọn, chi tiết dễ hiểu.

Toán Học

Vật Lý

Hóa Học

Ngữ Văn

Lịch Sử

Địa Lý

Sinh Học

GDCD

Tin Học

Tiếng Anh

Công Nghệ

Âm Nhạc & Mỹ Thuật

Hoạt động trải nghiệm