Bài soạn lớp 10: Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy

Bài học lịch sử luôn được gửi gắm khéo léo, tinh tế qua các câu chuyện dân gian. Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy chính là minh chứng cho điều ấy. Mời các bạn cùng theo dõi bài soạn chi tiết dưới đây!


Nội dung bài gồm:

I. Tìm hiểu chung

1. Truyền thuyết

  • Phản ánh lịch sử một cách độc đáo: lịch sử được khúc xạ qua lời kể của nhiều thế hệ, kết tinh thành những hình tượng nghệ thuật đặc sắc, nhuốm màu sắc thần kì và mang cảm xúc đời thường.
  • Phải đặt truyền thuyết trong mối quan hệ với môi trường lịch sử, văn hóa nó sinh thành, lưu truyền và biến đổi để hiểu sâu sắc nội dung và nghệ thuật của nó.

2. Truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy

  • Nội dung: kể về quá trình An Dương Vương xây thành và chế tạo nỏ thần thành công nhờ sự giúp đỡ của thần Rùa Vàng và nguyên nhân khiến cơ đồ nhà nước Âu Lạc “đắm biển sâu” liên quan đến mối tình Mị Châu - Trọng Thủy.
  • Văn bản được trích từ Truyện Rùa vàng trong Lĩnh Nam chích quái

Câu 1: Dựa theo cốt truyện, tìm những chi tiết liên quan đến nhân vật An Dương Vương. Trên cơ sở các chi tiết đã liệt kê, anh (chị) hãy phân tích:

a) Do đâu mà An Dương Vương được thần linh giúp đỡ? Kể về sự giúp đỡ thần kì đó, dân gian muốn thể hiện cách đánh giá như thế nào về nhà vua?

b) Sự mất cảnh giác của nhà vua biểu hiện như thế nào?

c) Sáng tạo những chi tiết về Rùa vàng, Mị Châu, nhà vua tự tay chém đầu con gái...nhân dân muốn biểu lộ thái độ, tình cảm gì đối với nhân vật lịch sử An Dương Vương và việc mất nước Âu Lạc?

Trả lời:

Những chi tiết liên quan đến nhân vật An Dương Vương trong truyện:

  • An Dương Vương xây thành nhưng thất bại.
  • An Dương Vương được Rùa Vàng giúp đỡ diệt yêu quái, xây thành và chế tạo nỏ thần.
  • An Dương Vương đánh thắng Triệu Đà lần một nhờ sự giúp đỡ của nỏ thần
  • Triệu Đà cầu thân, vua mất cảnh giác gả con gái, chủ quan khi Triệu Đà đem quân đánh lần thứ hai.
  • An Dương Vương thất bại, chém chết Mị Nương và được Rùa Vàng rẽ nước đưa xuống thủy cung.

a) An Dương Vương được thần linh giúp đỡ xây thành vì nhà vua có ý thức đề cao cảnh giác trước những kẻ thù có ý định xâm lăng. Việc xây thành, đắp lũy kiên cố đã chứng minh điều ấy. Việc gắn An Dương Vương với những điều thần kì (Rùa Vàng giúp đỡ trừ yêu diệt quái, xây thành và làm nỏ thần) tác giả dân gian đã tỏ rõ sự kính trọng, ca ngợi công lao của nhà vua trong việc xây thành, chế nỏ và những chiến công trong công cuộc đánh giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước.

b) Sự mất cảnh giác của An Dương Vương được biểu hiện qua các chi tiết:

  • Chấp nhận lời cầu hòa của kẻ thù đã có âm mưu xâm chiếm nước ta
  • Chấp nhận lời cầu hôn của Triệu Đà, gả con gái yêu là Mị Châu cho Trọng Thủy - con trai Triệu Đà.
  • Đặc biệt, đồng ý cho Trọng Thủy ở rể.

=> An Dương Vương đã mất đi ý thức cảnh giác trước kẻ thù - cái mà trước đây vẫn tồn tại thường trực trong vị vua ấy, mơ hồ về bản chất ngoan cố, tâm địa đen tối của chúng. Việc mất nước còn do nhà vua chủ quan, ỷ lại vào sức mạnh của nỏ thần nên vẫn ung dung khi kẻ địch tiến sát vào thành.

c) Tác giả dân gian đã sáng tạo ra hàng loạt chi tiết mới, không được ghi chép trong lịch sử: Rùa Vàng xuất hiện giúp đỡ vua, Mị Châu và việc vua chém đầu cô con gái yêu đã thể hiện rất rõ thái độ của nhân dân trước nhân vật lịch sử An Dương Vương và việc mất nước Âu Lạc.

  • Ca ngợi và tỏ lòng kính trọng với vị vua An Dương Vương khi đã sẵn sàng hi sinh tình cảm cá nhân để giữ vững danh dự trước non sông, đất nước.
  • Phê phán thái độ mất cảnh giác của Mị Châu trước kẻ thù, dù người đó có là chồng của mình.
  • Thái độ rạch ròi của nhân dân trước những hành động, con người phải chịu trách nhiệm trước lịch sử.
  • Lời giải thích nhằm xoa dịu nỗi đau mất nước Âu Lạc của nhân dân.

Câu 2: Về việc Mị Châu lén đưa cho Trong Thủy xem nỏ thần, có hai cách đánh giá như sau:

- Mị Châu làm vậy chỉ là thuận theo tình cảm vợ chồng mà bỏ quên nghĩa vụ đối với đất nước.

- Mị Châu làm theo ý chồng là lẽ tự nhiên, hợp đạo lí

Ý kiến riêng của anh (chị) như thế nào?

Trả lời:

  • Mị Châu lén đưa nỏ thần cho Trọng Thủy xem và đặc biệt, trên đường chạy trốn cùng cha, nàng đã rắc lông ngỗng ở ngã ba báo cho Trọng Thủy và quân lính đuổi theo, gây ra cái chết oan nghiệt cho mình.
  • Cái chết của Mị Châu là cái giá quá đắt mà nàng phải trả khi đã cả tin đem bí mật quốc gia tiết lộ cho một người lạ, mà người đó lại là con trai của kẻ thù đã từng lăm le cướp nước ta. Hơn thế nữa, khi vua cha thất bại, nàng lại bị tình cảm làm lu mờ lí trí, vẫn chưa nhận ra được bản chất của kẻ thù mà vẫn chỉ đường cho giặc đuổi giết hai cha con, khiến cả hai người rơi vào bước đường cùng.
  • Ý kiến Mị Châu làm vậy chỉ là thuận theo tình cảm vợ chồng mà bỏ quên nghĩa vụ đối với đất nước là đúng đắn hơn. Vì sự thực, trong mối quan hệ với Trọng Thủy và đất nước, Mị Châu đã đặt tình cảm cá nhân lên trên lợi ích của đất nước, cộng đồng. Nàng đã quên mất rằng mình là công chúa của một nước còn Trọng Thủy, dù là chồng nhưng cũng từng là kẻ thù của chính nàng và đất nước của nàng.

Câu 3: Mị Châu bị Rùa Vàng kết tội là giặc, lại bị vua cha chém đầu, nhưng sau đó, máu của nàng hóa thành ngọc trai, xác nàng hóa thành ngọc thạch...

Trả lời

  • Kết cục của Mị Châu tưởng như đối lập nhưng lại rất thống nhất trong cái nhìn, quan điểm của nhân dân.
    • Mị Châu bị Rùa Vàng kết tội là giặc, lại bị vua cha chém đầu. Đây là kết cục dứt khoát cũng là lời kết tội rõ ràng của lịch sử với kẻ phản bội. Điều này xuất phát từ truyền thống yêu nước và lòng khao khát với độc lập, tự do của người Việt ta.
    • Thế nhưng, khi Mị Châu chết, máu của nàng hóa thành ngọc trai, xác nàng hóa thành ngọc thạch cho thấy được sự bao dung của nhân dân và niềm cảm thông với sự trong trắng, ngây thơ của nàng công chúa.
  • Nhân dân muốn gửi gắm tới thế hệ mai sau bài học về ý thức cảnh giác cao độ với kẻ thù. Đồng thời cũng bài học về cách giải quyết mối quan hệ giữa tình cảm cá nhân và nghĩa vụ với đất nước, giữa cái riêng với cái chung.

Câu 4: Trọng Thủy gây nên sự sụp đổ cơ đồ Âu Lạc và cái chết của Mị Châu. Vậy anh (chị) hiểu như thế nào về hình ảnh “ngọc trai - giếng nước”?

Trả lời:

  • Trọng Thủy trong cái nhìn của nhân dân ta là kẻ gây nên sự sụp đổ cơ đồ Âu Lạc và cái chết của Mị Châu. Xét trên khía cạnh lợi ích quốc gia, dân tộc, Trọng Thủy là người anh hùng của phương Bắc vì hắn đã tuân thủ tuyệt đối mệnh lệnh của Triệu Đà, mang đến những điều tốt đẹp cho đất nước của hắn. Nhưng lại là tội đồ, là kẻ thù của nhân dân ta.
  • Thế nhưng, hình ảnh “ngọc trai - giếng nước” đã cho ta thấy được góc nhìn khác về nhân vật này. Đây là một hình ảnh vừa đẹp, vừa giàu ý nghĩa bởi nó là kết tinh cho một mối tình. “Ngọc trai” được tạo thành bởi máu của Mị Châu, đã chứng thực cho tấm lòng trong trắng của nàng. Còn “giếng nước” lại là chi tiết được dựng lên để hóa giải nỗi hối hận của Trọng Thủy. Đặc biệt, chi tiết “khi lấy nước ở giếng rửa ngọc trai thì ngọc lại càng thêm sáng đẹp” cho thấy Trọng Thủy đã được hóa giải trong tình cảm với Mị Châu ở thế giới bên kia. Và Trọng Thủy cũng lại là kẻ si tình đáng thương.

=> Trọng Thủy bị mắc kẹt giữa lợi ích quốc gia, dân tộc với tình cảm riêng tư, cá nhân. Nhưng khác với Mị Châu, Trọng Thủy đặt lợi ích của quốc gia lên đầu, trở thành người được tôn vinh, người anh hùng của dân tộc mình. Nhưng kết cục, chàng vẫn không trọn vẹn được với tình cảm với Mị Châu.

Câu 5: Từ những điều đã phân tích, anh (chị) hãy cho biết đâu là “cốt lõi lịch sử” của truyện và cốt lõi lịch sử đó đã được dân gian thần kì hóa như thế nào?

Trả lời

  • Cốt lõi lịch sử: An Dương Vương xây thành Cổ Loa và sự thất bại của nhà nước Âu Lạc trước sự xâm lăng của Triệu Đà.
  • Cốt lõi lịch sử ấy đã được dân gian thêm các chi tiết kì ảo, thần kì với sự xuất hiện của Rùa Vàng, chế nỏ thần, chuyện về cái chết của An Dương Vương và Mị Châu; chi tiết “ngọc trai - giếng nước” khiến câu chuyện trở nên sinh động, hấp dẫn. Đồng thời cũng thể hiện rõ được cái nhìn bao dung và thái độ dứt khoát của nhân dân trước các nhân vật lịch sử với tất cả những gì đã xảy ra.

[Luyện tập] Bài tập 1: Có hai cách đánh giá như sau:

a) Trọng Thủy chỉ là một kẻ gián điệp, ngay cả việc yêu Mị Châu cũng chỉ là giả dối.

b) Giữa Mị Châu và Trọng Thủy có tình yêu chung thủy và hình ảnh “ngọc trai - giếng nước” đã ca ngợi mối tình đó.

Anh (chị) hãy trình bày ý kiến riêng của mình.

Trả lời:

  • Em đồng ý với ý kiến (b): Giữa Mị Châu và Trọng Thủy có tình yêu chung thủy và hình ảnh "ngọc trai - giếng nước" đã ca ngợi mối tình đó.
    • Trọng Thủy là gián điệp, nhưng thực chất, chàng bị kẹp giữa mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng. Một bên là vận mệnh của quốc gia, dân tộc với một bên là người vợ hết mực yêu thương, đầu ấp tay gối. Bản thân Trọng Thủy là hoàng tử của nước láng giềng nên chàng buộc lòng phải từ bỏ hạnh phúc cá nhân để làm tròn bổn phận với cộng đồng. Trọng Thủy đã hi sinh tình yêu của mình với Mị Nương để đánh cắp chiếc nỏ thần. Nhưng cuối cùng chàng đã phải hối hận cả đời, cái chết của Trọng Thủy chính là minh chứng cho sự dằn vặt của chàng.
    • Mị Châu là người con gái nhẹ dạ, cả tin nhưng tình yêu của nàng với Trọng Thủy là thật. Nàng tin và yêu chồng hết mực, thậm chí tiết lộ cả bí mật quốc gia với một người xa lạ. Thế nhưng nàng đã phải trả giá bằng cái chết của chính mình.
  • Hình ảnh "ngọc trai - giếng nước" chính là kết tinh cho tình yêu của họ. Đôi trai tài - gái sắc ấy đã phải thực hiện sứ mệnh với dân tộc, cộng đồng của mình.

[Luyện tập] Bài tập 2: An Dương Vương đã tự tay chém đầu người con gái duy nhất của mình nhưng dân gian lại dựng đền và am thờ hai cha con ngay cạnh nhau. Cách xử lí như vật nói lên điều gì trong đạo lí truyền thống của dân tộc ta?

Trả lời: 

  • An Dương Vương đã tự tay chém đầu người con gái duy nhất của mình nhưng dân gian lại dựng đền và am thờ hai cha con ngay cạnh nhau. Cách xử lí như vậy đã cho thấy đạo lí truyền thống lâu đời của dân tộc ta. Đó chính là sự bao dung và tha thứ.
    • Mị Châu: nhẹ dạ, cả tin nên dẫn tới kết cục mất nước.
    • Còn An Dương Vương là một vị vua đã vì nước mà phải xuống tay chém đầu đứa con gái duy nhất của mình. Chắc chắn vua rất đau đớn và xót xa
  • Việc lập đền và am thờ hai cha con bên cạnh nhau đê thấy được thái độ rạch ròi của nhân dân giữa việc chung của cộng đồng và việc riêng của cá nhân. Trên tư cách là một vị vua trong trách nhiệm với đất nước, An Dương Vương buộc lòng phải xử tội kẻ phản bội - Mị Châu, đứa con gái duy nhất của ông. Nhưng trên tư cách là cha con, nhân dân đã lập đền và am để thờ hai cha con bên cạnh nhau để hai người vẫn được sống cùng nhau sau khi đã hết cuộc sống nơi trần thế này.

[Luyện tập] Bài tập 3: Tìm một số bài thơ viết về Mị Châu - Trọng Thủy và nêu lên sức sống lâu bền của Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy.

Trả lời:

Một số bài thơ về Mị Châu - Trọng Thủy:

Mị Châu - Trọng Thủy (Vân Thê)

Một đôi kẻ Việt người Tần
Nửa phần ân ái, nửa phần oán thương
Vuốt rùa chàng đổi máy
Lông ngỗng thiếp đưa đường
Thề nguyền phu phụ
Lòng nhi nữ
Việc quân vương
Duyên nọ tình kia dở dở dang!
Nệm gấm vó câu
Trăm năm giọt lệ
Ngọc trai nước giếng
Nghìn thu khói nhang

(1916)

Chiếc áo lông ngồng (Đinh Hoàng Anh)

(Nhớ về sự tích Mỵ Châu, Trọng Thuỷ)

Trên yên cương, vó ngựa phi xé gió
Băng qua thời gian, em bay vào giấc mơ
Chiếc áo của anh không thể nào gỡ bỏ
Vết lông ngỗng rơi, tim nhỏ máu từng giờ....

Em rời xa anh bay vào lãng quên
Kỵ sỹ đưa em về một trời mộng ảo
Nhưng chiếc áo còn trên vai em, 
Chiếc áo..
         lông ngỗng bay
                   trắng xoá
                             một trời đau...

Trọng Thuỷ ơi giờ ở đâu, ở đâu ???
Giếng sâu thẳm biết bao giờ vơi lệ nhỏ
Con đường tình lông ngỗng bay trong gió
Anh đi theo em, vằng vặc trăng tàn trôi....

Dù cách xa, còn vết lông ngỗng rơi
Em không muốn nhớ...
         phút giây nào em không nhớ???
Anh đi theo em trong từng hơi thở
Tim chết dần theo từng chặng vó ngựa bay....

Nơi xa xôi hoa lá một trời say
Em vẫn đêm ngày thả hàng lông ngỗng trắng
Soi vào giếng nước xưa tìm lời yêu thầm lặng
Nơi đáy sông em về....
                   cũng đâu thể nguôi quên...

Giếng Trọng Thủy (Nguyễn Nhược Pháp)

Đêm khuya, gió lốc, mây đen vần,
Cỏ lướt gieo mình vực giếng thâm;
Trọng Thủy nằm trên làn nước sủi.
Tiếng mõ cầm canh xa âm thầm.

Phơn phớt hồn ma đóm lập lòe.
Cú rúc. Đàn dơi bay tứ bề.
Răng rắc kêu như tiếng xương đập,
Gió rền, quỷ khóc, lay cành tre.

Nhấp nhoáng xiên trời chớp tóe xanh,
Gầm ran sấm chuyển, mây bùng phanh.
Mưa đâp. Tù và rên văng vẳng
Hiệu lính tuần kêu trên mặt thành.

(1-1933)

Xem thêm lời giải Bài soạn văn 10

Soạn bài môn văn lớp 10 dễ hiểu, dễ nắm bắt. Cách trình bày rõ ràng, ngoài tác dụng lưu kiến thức vào vở, học sinh có thể nắm rõ đại ý câu trả lời. Từ đó, các em nhớ lâu hơn, nhớ 1 cách có hệ thống hơn. Dưới đây là phần soạn văn chi tiết cho các bài học trong sgk ngữ văn 10, mời các em học sinh và bạn đọc tham khảo

Lớp 10 | Các môn học Lớp 10 | Giải bài tập, đề kiểm tra, đề thi Lớp 10 chọn lọc

Danh sách các môn học Lớp 10 được biên soạn theo sách giáo khoa mới của bộ giáo dục đào tạo. Kèm theo lời giải sách bài tập, sách giáo khoa, đề kiểm tra 15 phút, 45 phút (1 tiết), đề thi học kì 1 và học kì 2 năm học 2024 ngắn gọn, chi tiết dễ hiểu.

Toán Học

Vật Lý

Hóa Học

Ngữ Văn

Lịch Sử

Địa Lý

Sinh Học

GDCD

Tin Học

Tiếng Anh

Công Nghệ

Âm Nhạc & Mỹ Thuật

Hoạt động trải nghiệm