Bài 21. Khái quát về trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng trang 53, 54 SBT Khoa học tự nhiên 7 Kết nối tri thức với cuộc sống

Chọn các từ/cụm từ phù hợp để hoàn thành đoạn thông tin sau. Xác định những yếu tố mà cơ thể người lấy vào, thải ra và tích lũy trong cơ thể. Xác định yếu tố lấy vào, thải ra và tích lũy trong cơ thể thực vật.

Bài làm:

21.1

Chọn các từ/cụm từ phù hợp để hoàn thành đoạn thông tin sau:

Chuyển hóa năng lượng là sự ….(1)…. năng lượng từ dạng này sang dạng khác như từ ….(2)…. thành hóa năng, từ hóa năng thành nhiệt năng,… Năng lượng thường được tích lũy trong …(3)… nên sự trao đổi chất và chuyển hóa …(4)… gắn liền với nhau, quá trình này được coi là một trong những đặc tính …(5)… của sự sống.

Phương pháp giải:

Chuyển hóa năng lượng là sự biến đổi của năng lượng từ dạng này sang dạng khác. Ví dụ: từ quang năng thành hóa năng, từ hóa năng thành cơ năng, nhiệt năng,…

Trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng luôn gắn liền với nhau.

Lời giải chi tiết:

Chuyển hóa năng lượng là sự biến đổi năng lượng từ dạng này sang dạng khác như từ quang năng thành hóa năng, từ hóa năng thành nhiệt năng,… Năng lượng thường được tích lũy trong chất hữu cơ nên sự trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng gắn liền với nhau, quá trình này được coi là một trong những đặc tính cơ bản của sự sống.

(1) biến đổi

(2) quang năng

(3) chất hữu cơ

(4) năng lượng

(5) cơ bản.


21.2

Cho các yếu tố: thức ăn, oxygen, carbon, dioxide, nhiệt năng, chất thải, chất hữu cơ, ATP, Xác định những yếu tố mà cơ thể người lấy vào, thải ra và tích lũy trong cơ thể.

Phương pháp giải:

Trao đổi chất là quá trình cơ thể lấy các chất từ môi trường, biến đổi chúng thành các chất cần thiết cho cơ thể và tạo năng lượng cung cấp cho các hoạt động sống, đồng thời trả lại cho môi trường các chất thải.

Lời giải chi tiết:

Đối với con người:

- Yếu tố lấy vào: thức ăn, oxygen.

- Yếu tố thải ra/giải phóng: carbon dioxide, nhiệt năng, chất thải

- Yếu tố tích lũy: chất hữu cơ, ATP


21.3

Cho các yếu tố: chất khoáng, năng lượng, oxygen, carbon dioxide, chất hữu cơ, nước. Xác định yếu tố lấy vào, thải ra và tích lũy trong cơ thể thực vật.

Phương pháp giải:

Trao đổi chất là quá trình cơ thể lấy các chất từ môi trường, biến đổi chúng thành các chất cần thiết cho cơ thể và tạo năng lượng cung cấp cho các hoạt động sống, đồng thời trả lại cho môi trường các chất thải.

Lời giải chi tiết:

Đối với cơ thể thực vật:

- Yếu tố lấy vào: chất khoáng, năng lượng, oxygen, carbon dioxide, nước.

- Yếu tố thải ra/giải phóng: oxygen, carbon dioxide, nước.

- Yếu tố tích lũy: năng lượng, chất hữu cơ, nước.


21.4

Chọn các từ/cụm từ phù hợp để hoàn thành đoạn thông tin sau:

Trao đổi chất và chuyển hóa …(1)… là đặc điểm cơ bản của sự sống, quá trình này có hai vai trò cơ bản là …(2)… cơ thể. Nhờ trao đổi chất nên cơ thể tự đổi mới thông qua quá trình đồng hóa và dị hóa. Đồng hóa là quá trình …(3)… các chất đơn giản thành các chất phức tạp. Dị hóa là quá trình …(4)… các chất phức tạp thành các chất đơn giản và tạo ra năng lượng.

Phương pháp giải:

Chuyển hóa năng lượng là sự biến đổi năng lượng từ dạng này sang dạng khác.

Chuyển hóa năng lượng gồm 2 quá trình là đồng hóa và dị hóa:

+ Đồng hóa: biến đổi (tổng hợp) những chất đơn giản thành những chất phức tạp.

++ VD: Quá trình Quang hợp ở cây xanh là 1 kiểu đồng hóa.

+ Dị hóa: biến đổi (phân giải) những chất phức tạp thành chất đơn giản.

++ VD: Quá trình tiêu hóa thức ăn ở người là 1 kiểu dị hóa.

Lời giải chi tiết:

Trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng là đặc điểm cơ bản của sự sống, quá trình này có hai vai trò cơ bản là cung cấp năng lượng và kiến tạo cơ thể. Nhờ trao đổi chất nên cơ thể tự đổi mới thông qua quá trình đồng hóa và dị hóa. Đồng hóa là quá trình tổng hợp các chất đơn giản thành các chất phức tạp. Dị hóa là quá trình phân giải các chất phức tạp thành các chất đơn giản và tạo ra năng lượng.

(1) năng lượng

(2) cung cấp năng lượng và kiến tạo

(3) tổng hợp

(4) phân giải


21.5

Trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng có vai trò quan trọng đối với

A. sự chuyển hóa của sinh vật.

B. sự biến đổi các chất.

C. sự trao đổi năng lượng.

D. sự sống của sinh vật.

Phương pháp giải:

Trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng giúp sinh vật tồn tại, sinh trưởng, phát triển, sinh sản, cảm ứng và vận động.

Lời giải chi tiết:

Đáp án D

Sinh vật là 1 cơ thể sống. Cơ thể sống thì bắt buộc phải trao đổi chất và năng lượng thì mới sinh trưởng và phát triển.



216

Sinh vật có thể tồn tại, sinh trưởng, phát triển và thích nghi với môi trường sống là nhờ có quá trình nào?

A. Quá trình trao đổi chất và sinh sản.

B. Quá trình chuyển hóa năng lượng.

C. Quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng.

D. Quá trình trao đổi chất và cảm ứng.

Phương pháp giải:

Trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng giúp sinh vật tồn tại, sinh trưởng, phát triển, sinh sản, cảm ứng và vận động.

Lời giải chi tiết:

Đáp án C

Quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng giúp sinh vật có thể tồn tại, sinh trưởng, phát triển và thích nghi với môi trường sống.


21.7

Hãy dự đoán các tình huống có thể xảy ra khi con người không được cung cấp đủ không khí, nước uống và thức ăn.

Phương pháp giải:

Trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng giúp sinh vật tồn tại, sinh trưởng, phát triển, sinh sản, cảm ứng và vận động.

Lời giải chi tiết:

Các tình huống có thể xảy ra nếu con người:

- Không được cung cấp đủ không khí: thiếu khí oxygen làm cho quá trình trao đổi khí trong cơ thể không hiệu quả có thể dẫn đến tử vong.

- Không cung cấp đủ nước: Nước là dung môi hòa tan các chất và là môi trường cho các phản ứng sinh hóa, chuyển hóa chất trong cơ thể. Vì vậy nếu thiếu nước thì các quá trình trao đổi chất bị ảnh hưởng (không diễn ra hoặc diễn ra chậm), nếu kéo dài có thể dẫn đến tử vong.

- Không đủ thức ăn: Trong thức ăn chứa các chất và các hợp chất cần thiết giúp kiến tạo cơ thể và cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động, nếu không đủ thức ăn trong thời gian dài có thể dẫn tới tử vong.


21.8

Giải thích hiện tượng lá cây héo khi bị tách ra khỏi thân cây.

Phương pháp giải:

Trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng giúp sinh vật tồn tại, sinh trưởng, phát triển, sinh sản, cảm ứng và vận động.

Khi quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng dừng lại chứng tỏ sinh vật sống đã chết.

Các bộ phận của cơ thể thực vật đều chứa nước. Các bộ phận khi tách rời khỏi cơ thể chúng lúc đầu vẫn tươi do đầy được nhưng sau một thời gian sẽ khô héo do bị mất nước.


Lời giải chi tiết:

Lá cây héo khi bị tách ra khỏi thân cây là do nước vẫn tiếp tục thoát hơi qua lá nhưng lá lại không còn được bổ sung nguồn nước từ rễ nữa.


21.9

Chuyển hóa năng lượng có vai trò gì đối với sự sống của sinh vật?

Phương pháp giải:

Chuyển hóa năng lượng là sự biến đổi năng lượng từ dạng này sang dạng khác.

Chuyển hóa năng lượng giúp cơ thể sinh vật hấp thụ được dạng năng lượng chuyển hóa và sử dụng để cung cấp cho các hoạt động sống của sinh vật.


Lời giải chi tiết:

Chuyển hóa năng lượng có vai trò cung cấp năng lượng cho các hoạt động sống của sinh vật.

Xem thêm Bài tập & Lời giải

Trong bài: Chương VII: Trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng sinh vật

Bài tập & Lời giải:

Xem thêm lời giải SBT KHTN lớp 7 - Kết nối tri thức

Để học tốt SBT KHTN lớp 7 - Kết nối tri thức, loạt bài giải bài tập SBT KHTN lớp 7 - Kết nối tri thức đầy đủ kiến thức, lý thuyết và bài tập được biên soạn bám sát theo nội dung sách giáo khoa Lớp 7.

Lớp 7 | Các môn học Lớp 7 | Giải bài tập, đề kiểm tra, đề thi Lớp 7 chọn lọc

Danh sách các môn học Lớp 7 được biên soạn theo sách giáo khoa mới của bộ giáo dục đào tạo. Kèm theo lời giải sách bài tập, sách giáo khoa, đề kiểm tra 15 phút, 45 phút (1 tiết), đề thi học kì 1 và học kì 2 năm học 2024 ngắn gọn, chi tiết dễ hiểu.

Toán Học

Vật Lý

Ngữ Văn

Lịch Sử

Địa Lý

Sinh Học

GDCD

Tin Học

Tiếng Anh

Công Nghệ

Khoa Học

Âm Nhạc & Mỹ Thuật

Hoạt động trải nghiệm