Đề kiểm tra giữa học kì I Ngữ văn 12 - Đề số 12 có lời giải chi tiết

Đề kiểm tra giữa học kì I Ngữ văn 12 - Đề số 12 được biên soạn theo hình thức tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

Đề bài

PHẦN I: ĐỌC HIỂU (3,0 ĐIỂM)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

(1) Một lần tình cờ tôi đọc được bài viết “Hạnh phúc là gì?” trên blog của một người bạn. (2) Bạn ấy viết rằng: "Hạnh phúc là được nằm trong chăn ấm xem ti vi cùng với gia đình. (3) Hạnh phúc là được trùm chăn kín và được mẹ pha cho cốc sữa nóng. (4) Hạnh phúc là được cùng đứa bạn thân nhong nhong trên khắp phố. (5) Hạnh phúc là ngồi co ro hàng giờ trong quán cà phê, nhấm nháp ly ca-cao nóng và bàn chuyện chiến sự... thế giới cùng anh em chiến hữu...".

(6) Bất chợt giật mình, hạnh phúc đơn giản vậy sao? (7) Ừ nhỉ!. (8) Dường như lâu nay chúng ta chỉ quen với việc than phiền mình bất hạnh chứ ít khi biết được rằng mình đang hạnh phúc. (9) Hãy một lần thử nghĩ xem: Khi chúng ta than phiền vì bố mẹ quá quan tâm đến chuyện của mình thì ngoài kia biết bao nhiêu người thèm hơi ấm của mẹ, thèm tiếng cười của bố, thèm được về nhà để được mắng; khi chúng ta cảm thấy thiệt thòi vì không được ngồi xe hơi chỉ vì phải chạy xe máy giữa trời nắng thì ngoài kia biết bao nhiêu bạn của chúng ta mồ hôi nhễ nhại, gò mình đạp xe lên những con dốc vắng; khi chúng ta bất mãn với chuyện học hành quá căng thẳng thì ngoài kia biết bao người đang khao khát một lần được đến trường, một lần được cầm cây bút để viết lên những ước mơ; khi chúng ta...

(Dẫn theo Bài tập Ngữ văn 11, tập 2, NXB Giáo dục 2007)

Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích. (0,5 điểm)

Câu 2: Tại sao tác giả lại “Bất chợt giật mình, hạnh phúc đơn giản vậy sao?”? (1,0 điểm)

Câu 3: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu (9). (1,0 điểm)

Câu 4: Anh/Chị hãy rút ra thông điệp có ý nghĩa nhất trong đoạn trích trên. (0,5 điểm)

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

    Qua đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bày tỏ suy nghĩ của mình về: Hạnh phúc của giới trẻ trong thời đại ngày nay.        

Câu 2. (5,0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau trong bài Sóng của nữ sĩ Xuân Quỳnh:

Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức

 

Dẫu xuôi về phương bắc

Dẫu ngược về phương nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh một phương

Lời giải chi tiết

Phần 1: Đọc hiểu

Câu 1:

Phong cách ngôn ngữ chính luận

Câu 2:

Tác giả “Bất chợt giật mình, hạnh phúc đơn giản vậy sao?” bởi vì:

- Khi nghĩ đến hạnh phúc thì con người thường nghĩ đến những gì cao xa, to lớn nhưng thực ra hạnh phúc là những gì rất giản dị, gần gũi quanh ta.

- Con người thường không nhận ra giá trị của những gì mình đang có, vì vậy thường “than phiền mình bất hạnh chứ ít khi biết được rằng mình đang hạnh phúc”.

Câu 3:

- Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu (9): liệt kê, điệp ngữ, tương phản - đối lập.

- Tác dụng: 

+ Tạo giọng điệu thiết tha, hùng hồn, mạnh mẽ để tăng tính thuyết phục.

+ Nhấn mạnh sự tương phản về hoàn cảnh của chúng ta và biết bao nhiêu người để từ đó gợi ra quan niệm về một hạnh phúc giản đơn.

Câu 4:

Thông điệp có ý nghĩa nhất trong đoạn trích:

- Chúng ta cần biết trân trọng những hạnh phúc bình dị, giản đơn nhưng thiết thực trong cuộc sống.

Phần 2: Làm văn

Câu 1:

- Giải thích: Hạnh phúc là một trạng thái tâm lý của con người khi ta cảm thấy vui vẻ, thỏa mãn

- Bàn luận:

* Quan niệm của giới trẻ về hạnh phúc:

- Hạnh phúc là hưởng thụ.

- Hạnh phúc là trải nghiệm.

- Hạnh phúc là sống vì người khác.

- Hạnh phúc là hài hòa giữa lợi ích của cá nhân và cộng đồng…

* Vì sao giới trẻ hiện nay lại có những quan niệm khác nhau về hạnh phúc?

- Thời đại mà kinh tế xã hội ngày càng phát triển, con người dễ coi trọng lối sống vật chất, vì vậy dễ nảy sinh quan niệm hạnh phúc là hưởng thụ.

- Thời đại ngày nay cũng đặt ra nhiều thách thức, cơ hội, vì vậy giới trẻ cũng năng động hơn, dám sống dám trải nghiệm, dám hi sinh vì người khác…

- Bài học nhận thức và hành động

+ Cần có những quan niệm đúng đắn về hạnh phúc.

+ Luôn hoàn thiện mình để hướng tới một hạnh phúc chân chính.

Câu 2:

* Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm và vị trí đoạn thơ:

- Xuân Quỳnh là một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ ca chống Mỹ.

- Thơ của Xuân Quỳnh là tiếng nói của người phụ nữ giàu yêu thương, khao khát hạnh phúc đời thường bình dị; nhiêu âu lo, day dứt, trăn trở trong tình yêu.

- Sóng sáng tác năm 1967 trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình), in trong tập Hoa dọc chiến hào (1968). Là một bài thơ đặc sắc viết về tình yêu, rất tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh.

- Đoạn trích nằm ở giữa tác phẩm, khắc họa rõ nét nỗi nhớ mong, lòng thủy chung trong tình yêu.

* Sáu câu thơ đầu:

- Nỗi nhớ bao trùm cả không gian và thời gian: đối lập "lòng sâu" – "mặt đất", "ngày" – "đêm".

- Nỗi nhớ thường trực, không chỉ tồn tại khi thức mà ngay cả trong khi ngủ, len lỏi cả vào trong giấc mơ, trong tiềm thức (Cả trong mơ còn thức).

- Nỗi nhớ của một tình yêu mãnh liệt (Ngày đêm không ngủ được)

- Mượn hình ảnh sóng để nói lên nỗi nhớ vẫn chưa đủ, chưa thỏa, nhà thơ bộc lộ trực tiếp nỗi nhớ của mình (Lòng em nhớ đến anh).

=> Cách diễn đạt nỗi nhớ của Xuân Quỳnh thật độc đáo, nhà thơ bộc lộ trực tiếp nỗi nhớ của mình trong tình yêu. Nỗi nhớ cứ tồn tại, cứ hiện diện trong tâm hồn, nó không hề lắng xuống mà trào dâng mãnh liệt, quay quắt không nguôi.

* Bốn câu cuối:

- Khẳng định lòng thủy chung: dù ở phương nào, nơi nào cũng chỉ "hướng về anh" – "một phương"

- Phương bắc, phương nam là phương của đất trời, "phương anh" chính là phương tâm trạng, phương của người phụ nữ đang yêu say đắm, thiết tha.

* Nghệ thuật:

- Thể thơ năm chữ được dùng một cách sáng tạo, thể hiện nhịp sóng của biển, nhịp lòng của thi sĩ.

- Các biện pháp điệp từ, điệp cú pháp, tương phản góp phần tạo nên nhịp điệu nồng nàn, say đắm, thích hợp cho việc diễn tả nỗi nhớ mãnh liệt: "con sóng" (3 lần), "dưới lòng sâu" – "trên mặt nước", "dẫu xuôi" – "dẫu ngược";  cách nói ngược "xuôi bắc" – "ngược nam" nhằm diễn tả những khó khăn, trắc trở trong cuộc sống.

* Đánh giá

Xemloigiai.com

Xem thêm Bài tập & Lời giải

Trong bài: Đề kiểm tra giữa học kì I - Lớp 12

Bài tập & Lời giải:

Lớp 12 | Các môn học Lớp 12 | Giải bài tập, đề kiểm tra, đề thi Lớp 12 chọn lọc

Danh sách các môn học Lớp 12 được biên soạn theo sách giáo khoa mới của bộ giáo dục đào tạo. Kèm theo lời giải sách bài tập, sách giáo khoa, đề kiểm tra 15 phút, 45 phút (1 tiết), đề thi học kì 1 và học kì 2 năm học 2024 ngắn gọn, chi tiết dễ hiểu.