Bài văn kể lại một câu chuyện đã nghe hoặc được đọc về danh nhân văn hóa

Để chống căn bệnh dại, Pa-xtơ sau nhiều năm nghiên cứu đã lấy tủy sống của một con thỏ bị bệnh dại và làm cho sức tàn phá của vi trùng trong tủy sống ấy giảm đi.

Bài làm:

Dàn ý

Mở bài: Giới thiệu câu chuyện về danh nhân văn hóa mà em đã được nghe, được đọc

- Câu chuyện em được nghe kể hay đọc qua sách báo?

- Câu chuyện kể về danh nhân văn hóa nào?

Thân bài: 

- Khái quát về tiểu sử của danh nhân văn hóa:

+ Tên

+ Tuổi

+ Quê quán

- Khái quát cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân văn hóa

+ Những hoạt động và đóng góp

+ Vinh danh danh nhân văn hóa

- Kể lại câu chuyện nổi bật về danh nhân văn hóa

Kết bài: Cảm nghĩ của em về câu chuyện đó

- Em cảm thấy danh nhân đó như thế nào?

- Vai trò của các danh nhân văn hóa đối với mỗi quốc gia và toàn thể nhân loại?


Bài siêu ngắn

Em đã được nghe rất nhiều câu chuyện từ bà ngoại. Trong đó, câu chuyện mà em thích nhất là câu chuyện về Bác Hồ kính yêu - một vị danh nhân văn hóa thế giới.

Bác Hồ có tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung. Bác sinh năm 1890 tại Làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Bà thường kể Bác Hồ là một người giản dị, tiết kiệm và bảo em phải luôn noi gương Bác. Bữa cơm của Bác thường chỉ có cơm, canh, dưa, cà và cá kho, Bác ăn rất đạm bạc, buổi sáng có thể chỉ là bát cháo hoặc bát phở đơn giản, bữa trưa Bác thường ăn hai bát cơm với vài miếng dưa, vài quả cà, ít nước canh và cá kho. Trên mâm cơm của Bác lúc nào cũng đặt một chiếc bát thừa, chiếc bát ấy là để Bác liệu xem có ăn hết thức ăn hay không, nếu xác định không ăn hết được thức ăn Bác sẽ san thức ăn còn mới vào bát đó để người sau có thể dùng được. Khi Bác ăn xong chính tay Bác sắp xếp bát đũa gọn gàng, bát con ra bát con, đĩa ra đĩa và bát tô ra bát tô rồi để gọn trong mâm, úp chiếc lồng bàn lên, người vào dọn chỉ việc bê cả mâm đi.

Qua câu chuyện trên chúng ta có thể thấy Bác Hồ không chỉ là người tiết kiệm, giản dị mà còn tôn trọng cả những người giúp việc, đồng cảm với mọi người dân của mình.


Các bài mẫu

Bài tham khảo 1:

Em đã được đọc câu chuyện về nhà bác học Pa-xtơ trên báo.

Pa-xtơ (1822-1895) là nhà bác học vĩ đại của nước Pháp trong thế kỉ XIV. Ông đã có nhiều phát minh kì diệu: phát minh về hiện tượng lên men; tìm ra thủ phạm gây bệnh truyền nhiễm như bệnh than, bệnh dại,...

Để chống căn bệnh dại, Pa-xtơ sau nhiều năm nghiên cứu đã lấy tủy sống của một con thỏ bị bệnh dại và làm cho sức tàn phá của vi trùng trong tủy sống ấy giảm đi.

Sau nhiều lần ứng dụng trên cơ thể động vật, ngày 6-7-1885, lần đầu tiên Pa-xtơ ứng dụng phương pháp trên cơ thể con người.

Em bé Giô-dép Mai-xtơ bị chó dại cắn. Bệnh tình vô cùng nguy kịch. Cả gia đình hầu như tuyệt vọng. Em được đưa vào bệnh viện. Pa-xtơ đã dùng một thứ thuốc - vắc-xin đặc biệt tiêm vào bệnh nhân. Ông và nhiêu bác sĩ thức thâu đêm để theo dõi. Sau hơn rnột tuần, em bé được cứu sống. Em bé Giô-dép Mai-xtơ là người đầu tiên bị chó dại cắn được cứu sống. Và lần đầu tiên trong lịch sử khoa học thế giới, Pa-xtơ đã tìm ra được một loại vắc-xin chống bệnh dại.

Nhiều nước trên thế giới đã thành lập viện khoa học mang tên Pa-xtơ. Tượng ông được đặt nơi trang trọng nhất để ghi nhớ công ơn to lớn của ông đối với loài người.

UNESCO đã lấy năm 1995 là "năm Lu-i Pa-xtơ" với rất nhiều hoạt động khoa học và văn hóa để kỉ niệm một trăm năm ngày mất của nhà bác học thiên tài.

Bài tham khảo 2:

Đất nước Việt Nam ta là một đất nước giàu truyền thống văn hóa dân tộc, trong cuộc thi tìm hiểu về các danh nhân văn hóa nước nhà, em đã có dịp được nghe câu chuyện về danh nhân văn hóa - đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.

Nguyễn Du sinh năm 1765 mất năm 1820, tuổi thơ của ông sớm đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, năm mười một tuổi thì mất cha hai năm sau thì mất cả mẹ phải đến sống nhờ anh trai. Ngay từ thời niên thiếu cuộc sống của ông đã bị ảnh hưởng bởi chế độ chính trị và chính điều đó đã ảnh hưởng đến quan điểm và sự nghiệp sáng tác của ông về sau. Trong những hoàn cảnh khó khăn, Nguyễn Du vẫn giữ cho mình một đời sống tiêu diêu, thanh thản, tìm cho mình cuộc sống nơi thôn dã như đi câu cá, xem sách hoặc đi đến những phường hát. Cuộc đời Nguyễn Du đã từng nhiều lần ra làm quan nhưng làm quan suốt gần hai chục năm ông chỉ thấy toàn buồn khổ, nhiều bài thơ của ông cũng xuất phát từ những nỗi khổ cuộc đời. Qua các sáng tác của Nguyễn Du, người ta ca ngợi ông là một nhà thơ có học vấn uyên bác, các sáng tác được lưu hành rộng rãi ngay từ khi còn sống. Đặc biệt tác phẩm "Truyện Kiều" của Nguyễn Du đã góp phần đưa văn học Việt Nam vượt ra khỏi bờ cõi quốc gia để hội nhập cùng với những tinh hoa văn hoá của nhân loại.

Với những cống hiến của Nguyễn Du với văn học nước nhà và văn hóa nhân loại, UNESCO đã vinh danh Nguyễn Du là danh nhân văn hóa thế giới.

Bài tham khảo 3:

Trong chuyến đi tham quan đến khu di tích lịch sử Côn Sơn - Kiếp Bạc thuộc tỉnh Hải Dương, chúng em đã đến thăm và thắp hương tưởng niệm tại đền thờ Nguyễn Trãi, tại đây chúng em đã được nghe câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của vị danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi.

Nguyễn Trãi sinh ra tại Thăng Long trong một gia đình có dòng dõi làm quan, khi lên 5 tuổi thì mẹ qua đời nên đã cùng cha về quê nội ở làng Nhị Khê sinh sống. Năm Nguyễn Trãi 20 tuổi ông đi thi và đã đỗ tiến sĩ, ra làm quan giữ chức Ngự sử đài chánh chưởng, khi vua Hồ Quý Ly và cha là Nguyễn Phi Khanh bị giặc Minh bắt, ông đã định theo cha sang Trung Quốc để hầu hạ nhưng cha ông đã khuyên ông rằng: "Con là người có học có tài, nên tìm cách rửa nhục cho nước, trả thù cho cha", nghe lời cha ông đã quay về tìm đường đánh giặc, cứu nước. Vua nhà Minh biết Nguyễn Trãi là người có tài, muốn chiêu mộ nhưng ông nhất quyết không theo giặc. Nguyễn Trãi chính là một người có công lớn trong việc giúp vua Lê Lợi đánh giặc Minh bằng "Bình Ngô sách" trong đó bao gồm mưu lược, kế sách và chiến lược cụ thể. Không chỉ là một nhà quân sự tài ba, Nguyễn Trãi còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa kiệt xuất, các tác phẩm gắn liền với tên tuổi Nguyễn Trãi như "Bình Ngô đại cáo" (viết sau chiến thắng giặc Minh), "Quốc âm thi tập" và "Quân trung từ mệnh tập". Đáng tiếc thay vì bị hãm hại mà gia đình Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc (năm 1442) khiến cho người đời vô cùng thương tiếc. Mãi về sau này vua Lê Thánh Tông mới minh oan cho gia đình ông.

Có thể nói, Nguyễn Trãi là một nhân vật vĩ đại của lịch sử nước ta, là người anh hùng dân tộc, nhà quân sự đại tài, nhà văn hóa kiệt xuất và là danh nhân văn hóa thế giới.

Xem thêm Bài tập & Lời giải

Trong bài: Kể chuyện được nghe hoặc được đọc

Bài tập & Lời giải:

Lớp 5 | Các môn học Lớp 5 | Giải bài tập, đề kiểm tra, đề thi Lớp 5 chọn lọc

Danh sách các môn học Lớp 5 được biên soạn theo sách giáo khoa mới của bộ giáo dục đào tạo. Kèm theo lời giải sách bài tập, sách giáo khoa, đề kiểm tra 15 phút, 45 phút (1 tiết), đề thi học kì 1 và học kì 2 năm học 2024 ngắn gọn, chi tiết dễ hiểu.