Đề kiểm tra giữa học kì II Ngữ văn 11 - Đề số 13 có lời giải chi tiết

Đề kiểm tra giữa học kì II Ngữ văn 11 - Đề số 13 được biên soạn theo hình thức tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

Đề bài

I. Đọc hiểu (3.0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

     Mỗi một con người đều có vai trò trong cuộc đời này và đều đáng được ghi nhận. Đó là lý do để chúng ta không vì thèm khát vị thế cao sang này mà rẻ rúng công việc bình thường khác. Cha mẹ ta, phần đông, làm những công việc rất bình thường. Và đó là một thực tế mà chúng ta cần nhìn thấy. Để trân trọng. Không phải để mặc cảm. Để bình thản tiến bước. Không phải để tự ti. Nếu tất cả đều là doanh nhân thành đạt thì ai sẽ quét rác trên những đường phố? Nếu tất cả là bác sĩ nổi tiếng thế giới thì ai sẽ là người dọn vệ sinh bệnh viện? Nếu tất cả đều là nhà khoa học thì ai sẽ là người tưới nước những luống rau? Nếu tất cả là kỹ sư phần mềm thì ai sẽ gắn những con chip vào máy tính.

(Trích Nếu biết trăm năm là hữu hạn – Phạm Lữ Ân, NXB Hội nhà văn, 2012, tr.160, 161)

Câu 1. Nêu nội dung chính của văn bản. (0.5 điểm)

Câu 2. Xác định hình thức kết cấu và chỉ ra câu chủ đề của đoạn văn (0,5 điểm)

Câu 3. Phân biệt các thái độ sau: Tự ti với khiêm tốn; tự tin với tự phụ (1.0 điểm)

Câu 4. Chỉ ra các biện pháp tu từ và phân tích hiệu quả biểu đạt của chúng trong những câu sau (1.0 điểm):

     Nếu tất cả đều là doanh nhân thành đạt thì ai sẽ quét rác trên những đường phố? Nếu tất cả là bác sĩ nổi tiếng thế giới thì ai sẽ là người dọn vệ sinh bệnh viện? Nếu tất cả đều là nhà khoa học thì ai sẽ là người tưới nước những luống rau? Nếu tất cả là kỹ sư phần mềm thì ai sẽ gắn những con chip vào máy tính.

II. Làm văn (7.0 điểm)

Câu 1. Đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, anh/chị sẽ lựa chọn nghề nghiệp cho mình vì lý do nào: vì đam mê, vì tiền bạc, vì danh tiếng... (hoặc lý do khác). Hãy trình bày quan điểm cá nhân bằng một đoạn văn (từ 15-20 dòng). (2.0 điểm)

Câu 2. Cảm nhận bức tranh thiên nhiên và cái tôi trữ tình trong đoạn thơ sau: (5.0 điểm)

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song,
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng.

(Tràng giang – Huy Cận – SGK Ngữ văn 11, tập 2 – trang 29)

Lời giải chi tiết

I. Đọc hiểu (3.0 điểm)

Câu 1.

- Nội dung của văn bản: Mỗi con người trong cuộc đời đều có vai trò quan trọng vì thế cần tự tin để sống và có cái nhìn trân trọng tất cả các nghề nghiệp chân chính trong xã hội.

Câu 2.

- Hình thức kết cấu đoạn văn: Kết cấu diễn dịch.

- Câu chủ đề của đoạn văn: Mỗi một con người đều có vai trò trong cuộc đời này và đều đáng được ghi nhận.

Câu 3. Phân biệt các thái độ:

* Tự ti với khiêm tốn:

- Tự ti: tự đánh giá thấp mình nên tỏ ra thiếu tự tin. Đây là thái độ tiêu cực.

- Khiêm tốn: Có ý thức và thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân, không tự đề cao, không kiêu căng, tự phụ. Đây là thái độ tích cực.

* Tự tin với tự phụ:

- Tự tin: Tin vào bản thân mình. Đây là thái độ tích cực.

- Tự phụ: Tự đánh giá quá cao tài năng, thành tích của mình, do đó coi thường mọi người, kể cả người trên mình. Đây là thái độ tiêu cực.

Câu 4. Xác định:

- Biện pháp tu từ:

+ Câu hỏi tu từ.

+ Điệp cấu trúc "Nếu... thì..."

- Tác dụng: nhấn mạnh vào vai trò của tất cả những nghề nghiệp chân chính trong xã hội, tăng tính thuyết phục cho quan điểm tác giả nêu ở đầu đoạn văn.

II. Làm văn (7.0 điểm)

Câu 1. 

- Nêu được quan điểm chọn nghề của bản thân.

- Lý giải thuyết phục quan điểm cá nhân.

(Thí sinh có thể trình bày bài làm theo những cách khác, nhưng phải hợp lý, thuyết phục)

Câu 2. 

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả Huy Cận

- Giới thiệu chung về tác phẩm Tràng giang

2. Thân bài

* Nhan đề:

- “Tràng giang": sông dài

=> Từ Hán Việt, kết hợp với vần “ang” tạo độ ngân vang liên tiếp, gợi ra hình ảnh con sông vừa dài vừa rộng.

* Lời đề từ: Bâng khuâng trời rộng ngớ sông dài

Hé mở hoàn cảnh sáng tác

- Định hướng về nội dung và cảm xúc của bài thơ

* Khổ 1

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,

Con thuyền xuôi mái nước song song,

Thuyền về nước lại sầu trăm ngả:

Củi một cành khô lạc mấy dòng

 Câu thơ mở đầu khổ thơ thứ nhất đã mở ra một hình ảnh sông nước mênh mang.

- Từ “điệp điệp” gợi lên hình ảnh những đợt sóng cứ nối đuôi nhau vỗ vào bờ không ngừng nghỉ, không dứt, tô đậm thêm không gian rộng lớn, bao la.

- Hình ảnh: "con thuyền xuôi mái nước" gợi lên sự nhỏ nhoi

=> Hình ảnh đối lập giữa không gian sông nước mênh mông với hình ảnh con thuyền nhỏ bé càng gợi lên sự cô đơn, le loi của con người

- Hai câu cuối:

+ Thuyền và nước như có một nỗi buồn chia lìa đang đón đợi, cho lòng “sầu trăm ngả”.

+ Hình ảnh “củi một cành khô lạc mấy dòng” gợi lên trong lòng người đọc ám ảnh khôn nguôi về cõi nhân sinh, lạc lõng, bơ vơ, không biết rồi sẽ trôi dạt về đâu

=> Trong khổ thơ thứ nhất, nếu ví dòng tràng giang là dòng đời vô tận thì hình ảnh con thuyền, cành củi khô chính là hình ảnh tượng trưng cho kiếp người nhỏ nhoi, vô định, đồng thời gợi lên nỗi buồn không nguôi, không dứt của tác giả.

* Đánh giá:

- Nghệ thuật: thể thơ thất ngôn, thi liệu vừa cổ điển vừa hiện đại, từ láy nguyên, phép đối ngẫu tạo nhịp thơ trầm buồn nhịp nhàng...

- Cảnh thiên nhiên bao la; cái tôi ẩn chứa nỗi sầu nhân thế, thời thế; trong sáng, nhân văn; tạo nên phong cách riêng cho thơ Huy Cận.

 

Xemloigiai.com

Xem thêm Bài tập & Lời giải

Trong bài: Đề kiểm tra giữa học kì II - Lớp 11

Xem thêm lời giải Đề thi, đề kiểm tra Ngữ Văn 11 mới

Đáp án và lời giải chi tiết các đề thi học kì 1, học kì 2 (cuối năm), đề kiểm tra 15 phút, 45 phút (1 tiết) môn Ngữ văn lớp 11 đầy đủ, cập nhật mới nhất.

Lớp 11 | Các môn học Lớp 11 | Giải bài tập, đề kiểm tra, đề thi Lớp 11 chọn lọc

Danh sách các môn học Lớp 11 được biên soạn theo sách giáo khoa mới của bộ giáo dục đào tạo. Kèm theo lời giải sách bài tập, sách giáo khoa, đề kiểm tra 15 phút, 45 phút (1 tiết), đề thi học kì 1 và học kì 2 năm học 2024 ngắn gọn, chi tiết dễ hiểu.