Bài soạn văn 8: Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác

Hướng dẫn soạn bài: Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác - Trang 146 sgk ngữ văn 8 tập 1. Tất cả các câu hỏi trong bài học đều được trả lời rành mạch và dễ hiểu. Với cách soạn sau, các em học sinh sẽ nắm tốt nội dung bài học. Ngoài ra, nếu có câu hỏi nào, các em comment dưới bài học để thầy cô giải đáp.


Tìm hiểu chung tác phẩm

Tác giả

  • Phan Bội Châu (1867-1940), hiệu Sào Nam. Là nhà yêu nước, nhà cách mạng lớn nhất của dân tộc ta những năm đầu thế kỷ XX.
  • Ông cũng là một nhà văn, nhà thơ lớn, có sự nghiệp sáng tác khá đồ sộ. Tác phẩm của ông thuộc nhiều thể loại, tất cả đều thể hiện lòng yêu nước, thương dân tha thiết, khát vọng độc lập, tự do và ý chí chiến đấu

Tác phẩm

  • “Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác” là bài thơ nôm nằm trong tác phẩm” Ngục trung thư”. Bài thơ được sáng tác năm 1914, khi Phan Bội Châu bị bọn quân phiệt tỉnh Quảng Đông bắt giam.
  • Thể thơ: Thơ Đường luật thất ngôn bát cú
  • Bài thơ được viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật. Có thể hình dung về cấu trúc như sau:
  • Hai câu đầu diễn tả hoàn cảnh (Chạy mỏi chân thì hãy ở tù)
  • Bốn câu giữa chia thành hai cặp đối nhau cả ý và từ diễn tả tâm trạng, thể hiện bản lĩnh, khí phách...
  • Hai câu cuối khép lại vấn đề, khẳng định tư tưởng, cảm xúc chủ đạo... của cả bài thơ.

Câu 1: Phân tích các câu 1 - 2, tìm hiểu khí phách và phong thái của nhà chí sĩ ...

Phân tích các câu 1 - 2, tìm hiểu khí phách và phong thái của nhà chí sĩ khi rơi vào vòng tù ngục (chú ý các từ hào kiệt, phong lưu và quan niệm chạy mỏi chân thì hãy ở tù).

Trả lời:

Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu
Chạy mỏi chân thì hãy ở tù

  • Nhân vật trữ tình hiện ra với một phong thái đường hoàng, tự tin đến ngang tàng, ngạo mạn. Giọng đùa vui, tự trào làm tan biến đi cảm giác của một người tù, chỉ thấy một tư thế cao ngạo, xem thường hiểm nguy. 
  • Thông thường bị tù đày đọa là lúc làm nhụt đi ý chí của con người, tù đày là mang đến sự cô đơn, đau đớn. Nhưng đối với Phan Bội Châu, ông xem ngồi tù chỉ là trạm nghỉ của cuộc mỏi chân. Hoàn cảnh dù có đổi thay, nguy biến có thể ập đến bất cứ lúc nào nhưng chí khí thì chẳng khi nào lay chuyển.

Câu 2: Đọc lại cặp câu 3 - 4, em thấy giọng điệu có gì thay đổi so với hai câu thơ trên?...

Đọc lại cặp câu 3 - 4, em thấy giọng điệu có gì thay đổi so với hai câu thơ trên? Vì sao? Lời tâm sự ở đây có ý nghĩa như thế nào?

Trả lời:

Đã khách không nhà trong bốn biển
Lại người có tội giữa năm châu

  • Về giọng điệu: Từ hai câu đầu với giọng thơ hài hước, đùa vui thì hai câu thơ 3-4 mang một giọng điệu trầm buồn, như một nỗi đau cố nén.
  • Ý nghĩa lời tâm sự:
    • Khách không nhà: Cuộc đời bôn ba của Phan Bội Châu đầy sóng gió và nhiều bất trắc. Mười năm bôn ba phiêu bạt khắp nơi, Phan Bội Châu đã từng nếm trải cảnh không mái ấm gia đình, cực khổ về vật chất, cay đắng về tinh thần. Chỉ vì hết lòng muốn tìm đường cứu nước, chỉ vì yêu đất nước, dân tộc mình mà người chí sĩ bị xem như một tội nhân, bị truy nã khắp nơi (ông bị thực dán Pháp tuyên án tử hình và truy nã khắp nơi).
    • Ông than cho số phận cá nhân của mình cũng chính là đau với nỗi đau của một dân tộc mất nước. Đó là nỗi buồn của một người tù yêu nước, của một nhân cách cao cả.

Câu 3: Em hiểu thế nào về ý nghĩa của cặp câu 5 - 6? Lối nói khoa trương...

Em hiểu thế nào về ý nghĩa của cặp câu 5 - 6? Lối nói khoa trương ở đây có tác dụng gì trong việc biểu hiện hình ảnh người anh hùng, hào kiệt?

Trả lời:

Ý nghĩa của cặp câu 5-6:

Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế
Mở miệng, cười tan cuộc oán thù

  • Bồ kinh tế là hoài bão tự muốn cứu đời, cứu nước, cứu dân, hai tay ôm chặt thật mạnh mẽ quyết liệt, là lời thề chiến đấu đến cùng. Cho dù có ở tình trạng bi kịch đến mức độ nào thì chí khí của bậc anh hùng, hào kiệt vẫn không thay đổi, vẫn một lòng theo đuổi sự nghiệp cứu nước, cứu đời; vẫn có thể ngạo nghễ cười trước mọi âm mưu thủ đoạn tàn bạo của kẻ thù.
  • Biện pháp khoa trương (thường được dùng trong lối thơ khẩu khí) đã có tác dụng trong việc nâng tầm vóc của con ngưòi vốn nhỏ bé trong vũ trụ trở nên hết sức lớn lao, đến mức thần thánh. Lối nói này kích thích cảm xúc cua người đọc, tạo nên sức truyền cảm nghệ thuật mạnh mẽ.

Câu 4: Hai câu thơ cuối là kết tinh tư tưởng của toàn bài thơ...

Hai câu thơ cuối là kết tinh tư tưởng của toàn bài thơ. Em cảm nhận được điều gì từ hai câu thơ ấy?

Trả lời:

Thân ấy hãy còn còn sự nghiệp.
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu.

  • Điệp từ “còn” thể hiện niềm tin mãnh liệt, sắt đá của người chí sĩ yêu nước, dù còn hơi thở cuối cùng vẫn sẽ theo đuổi sự nghiệp cứu nước giúp dân. Câu thơ kết là lời thách thức với thực tế, nhà tù khắc nghiệt trước mắt và những chông gai khó khăn ở phía trước. Tâm thức của người anh hùng vượt lên trên sự gian khổ, và sự bạo tàn của kẻ thù.
  • Câu thơ như một lời tuyên ngôn đanh thép, rắn rỏi. Bằng giọng điệu hào hùng có sức lôi cuốn mạnh mẽ, bài thơ là bức chân dung tự họa con người tinh thần của Phan Bội Châu với phong thái ung dung, đường hoàng và khí phách kiên cường, bất khuất vượt lên trên cảnh tù khốc liệt.

[Luyện tập] Câu 1: Ôn lại những kiến thức đã học về thể thất ngôn bát cú Đường luật,...

Ôn lại những kiến thức đã học về thể thất ngôn bát cú Đường luật, em hãy nhận dạng thể thơ của bài Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác về các phương diện số câu, số chữ, cách gieo vần.

Trả lời:

  • Bài thơ được sáng tác theo thể thất ngôn bát cú Đường luật.
  • Về số câu, bài thơ gồm 8 câu, chia thành 4 cặp: đề - thực – luận – kết
  • Mỗi câu 7 chữ (thất ngôn bát cú)
  • Chữ thứ hai của câu 1 là chữ "là" thuộc thanh bằng, như vậy bài thơ này được viết theo luật bằng.
  • Chữ "lưu" ở cuối câu 1 thuộc thanh bằng, dùng để gieo vần. Đây là căn cứ xác định bài thơ có vần bằng. Toàn bộ bài thơ có 5 chữ gieo vần bằng :"lưu – tù – châu – thù – đâu"

Xem thêm lời giải Bài soạn văn 8

Soạn bài môn văn lớp 8 dễ hiểu, dễ nắm bắt. Cách trình bày rõ ràng, ngoài tác dụng lưu kiến thức vào vở, học sinh có thể nắm rõ đại ý câu trả lời. Từ đó, các em nhớ lâu hơn, nhớ 1 cách có hệ thống hơn. Dưới đây là phần soạn văn chi tiết cho các bài học trong sgk ngữ văn 8, mời các em học sinh và bạn đọc tham khảo

Lớp 8 | Các môn học Lớp 8 | Giải bài tập, đề kiểm tra, đề thi Lớp 8 chọn lọc

Danh sách các môn học Lớp 8 được biên soạn theo sách giáo khoa mới của bộ giáo dục đào tạo. Kèm theo lời giải sách bài tập, sách giáo khoa, đề kiểm tra 15 phút, 45 phút (1 tiết), đề thi học kì 1 và học kì 2 năm học 2024 ngắn gọn, chi tiết dễ hiểu.